Tác động của hội nhập quốc tế đối với sự phát triển du lịch DBSCL
Tiến sĩ: NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG
(Tổng công ty Thái Sơn – Bộ quốc phòng)
MỞ ĐẦU
Khi thế giới không ngừng vận động, thay đổi và phát triển từng ngày thì việc mở rộng hợp tác, trao đổi để hội nhập với quốc tế là thực sự cần thiết, du lịch đồng bằng sông Cửu Long cũng không nằm ngoài xu hướng vận động này. Giống như mối liên kết giữa các chi tiết trong cùng một bộ máy vận hành, du lịch đồng bằng sông Cửu Long cũng là một phần không thể tách rời của ngành du lịch toàn cầu. Ngành du lịch toàn cầu là môi trường và điều kiện thúc đẩy sự phát triển của du lịch đồng bằng Sông Cửu Long, mặt khác sự phát triển của du lịch đồng bằng sông Cửu Long lại góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch toàn cầu. Hội nhập để nắm bắt xu hướng phát triển chung, để học hỏi kinh nghiệm tổ chức, khoa học kỹ thuật, để mở cửa hợp tác, cạnh tranh với các nước trên thế giới tạo động lực phát triển cho du lịch tại địa phương. Chính vì thế việc hội nhập tạo ra những cơ hội cũng như thách thức từ đó đòi hỏi phải có những thay đổi phù hợp sao cho du lịch đồng bằng sông Cửu Long vẫn phát triển được nét đặc trưng của miền sông nước nhưng vẫn bắt nhịp được với cách thức vận hành, phát triển của du lịch thế giới.
Rừng tràm trà sư mùa nước nổi
1. Đặt vấn đề
Sự phát triển của du lịch là ngành kinh tế không nằm ngoài quy luật khách quan của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hơn thế nữa, với đặc điểm là ngành kinh tế “liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao”, sự phát triển du lịch không thể bó hẹp trong một lãnh thổ “khép kín” mà luôn vươn ra khỏi phạm vi hành chính một địa phương, một quốc gia, một khu vực. Như vậy, hội nhập quốc tế không chỉ được xem là xu thế mà đó còn chính là bản chất của phát triển điểm đến du lịch. Hiện nay tất cả các ngành kinh tế đều phải hội nhập, du lịch cũng là một ngành kinh tế nên không nằm ngoài qui luật khách quan này. Khi hội nhập không thể bó hẹp ở địa phương mà phải vươn ra khỏi phạm vi của một vùng, một quốc gia và khu vực, hội nhập quốc tế là bản chất của sự phát triển du lịch chứ không còn là một xu thế chung. Hội nhập để tạo ra sự liên kết giữa các điểm du lịch, liên kết các nhà cung cấp, tạo cơ hội cho nguồn nhân lực du lịch được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia, chuyển giao công nghệ quản lí, đẩy nhanh quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường,…Bên cạnh những lợi ích trên, trong quá trình hội nhập cũng có nhiều thách thức cho các doanh nghiệp cũng như cho chính quốc gia tổ chức du lịch, đặc biệt là năng lực cạnh tranh được đặt lên hàng đầu vì nó quyết định cho việc tồn tại và phát triển du lịch, nếu bỏ qua yếu tố này sẽ khó tồn tại trong hệ thống du lịch toàn cầu mặc dù điểm đến có nhiều tiềm năng
2. Tác động của hội nhập quốc tế đến phát triển du lịch ĐBSCL
2.1 Tác động tích cực
Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới trong thế kỉ XXI có những biến đổi sâu sắc. Châu Á được xem là khu vực có tính năng động và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với các khu vực khác. Xu thế toàn cầu hóa và quốc tế hoá các hoạt động kinh tế, văn hoá và du lịch ngày càng tăng, và Đông Nam Á được dự đoán là sẽ trở thành điểm thu hút đông đảo khách du lịch của các nước, với bối cảnh thuận lợi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Việt Nam cũng như du lịch ĐBSCL phát triển theo hướng hội nhập ngang tầm khu vực và quốc tế. Khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 đã tạo ra ba cơ hội lớn cho ngành du lịch đó là: Sự tăng trưởng mạnh của dòng khách quốc tế vào Việt Nam; Gia tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào du lịch để phát triển hạ tầng, nâng năng lực phục vụ khách trong và ngoài nước, đặc biệt là du lịch MICE; Năng lực cạnh tranh du lịch được nâng cao. Việc miễn Visa đối với một số nước trong khu vực ASEAN cũng đã tạo điều kiện dễ dàng việc di chuyển giữa một số nước, thêm vào đó Việt Nam được xem là điểm đến an toàn vì vậy đã góp phần thu hút du khách từ các nước đến Việt Nam.
Theo khảo sát năm 2013 của công ty nghiên cứu thị trường Grant Thornton về chỉ số năng động toàn cầu cho thấy các chỉ số về kinh tế của Việt Nam đứng thứ 27 trong tổng số 60 quốc gia tham gia vào cuộc khảo sát. Theo phân tích thêm cho thấy Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về hạng mục tiềm năng phát triển kinh tế và xếp thứ tư trong nhóm các ngành kinh tế mới nổi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Trong thời gian gần đây, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới có nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có tốc độ phát triển kinh tế cao trong khu vực. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch nhanh sang nền kinh tế thị trường, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và theo đó là nhu cầu du lịch của người dân cũng ngày một tăng cao.
Theo Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là một vùng nằm trong trong 7 vùng du lịch đặc trưng của cả nước. Hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại cho ngành du lịch ĐBSCL những thuận lợi rất lớn, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, điều đó đòi hỏi sự nổ lực cao của Đảng, Nhà nước, ngành du lịch và của nhân dân toàn Vùng với những giải pháp thiết thực để đưa ngành du lịch của vùng ngày càng phát triển, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ mới hiện nay.
Để thúc đẩy hội nhập quốc tế trong thời gian qua Nhà nước ta đã có nhiều thay đổi trong chính sách phát triển, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến du lịch được xây dựng mới hoặc sửa đổi như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cư trú, Luật Di sản văn hóa, Luật Đa dạng sinh học,…Thêm vào đó, chính sách miễn thị thực đối với một số quốc gia, cụ thể như miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu theo Nghị quyết số 46/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/6/2015 đã tác động tích cực, làm tăng lượng khách Tây Âu đến Việt Nam cũng là cơ hội cho du lịch các vùng trên cả nước trong đó có ĐBSCL.
Luật Du lịch có hiệu lực từ năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập sâu rộng của Việt Nam đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Nếu Việt Nam được coi là nước có nền kinh tế mới nổi thì có thể xem ĐBSCL là vùng đất mới của Việt Nam trong việc khai thác tiềm năng về du lịch. Chính vì vậy, ĐBSCL luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và lãnh đạo của các địa phương trong Vùng để phát triển du lịch trong quá trình hội nhập quốc tế.
Sự kiện đáng chú ý trong thời gian qua là Việt Nam đã tham gia vào Hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc đã tạo nhiều cơ hội cho vùng ĐBSCL do đây là lãnh thổ ưu tiên trong các chương trình hợp tác.
Trong thời gian qua, hội nhập quốc tế đã góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng ĐBSCL, trong đó có đầu tư cho phát triển du lịch. Trong giai đoạn 2006 - 2010 tổng số dự án FDI vào vùng ĐBSCL là 358 dự án với tổng vốn điều lệ là 3.265.864.847 (USD), trong đó Long An dẫn đầu với 226 dự án với vốn điều lệ là 909.513.060 (USD), đứng thứ hai là Tiền Giang với 26 dự án, vốn điều lệ 136.190.000 (USD). Các tỉnh có số dự án đầu tư thấp nhất là Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng với 05 dự án (Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh ĐBSCL, 2011).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào du lịch các địa phương vùng ĐBSCL
giai đoạn 2005 - 2015
TT |
Địa phương |
Số dự án |
Vốn đăng ký (USD) |
---|---|---|---|
A. |
Miền Bắc |
64 |
1.384.101.748 |
B. |
Miền Trung |
56 |
627.885.542 |
C. |
Miền Nam |
68 |
2.299.425.205 |
1 |
Đồng bằng sông Cửu Long |
5 |
21.880.000 |
|
An Giang |
1 |
7,000,000 |
|
Bến Tre |
1 |
3,000,000 |
|
Cần Thơ |
1 |
5,230,000 |
|
Kiên Giang |
2 |
6,650,000 |
2 |
Khu vực khác |
63 |
2.277.545.205 |
|
Cả nước |
188 |
4.311.412.495 |
Nguồn: Vụ Kế hoạch Tài chính - Tổng cục Du lịch, 2016
Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào du lịch khu vực miền Nam chiếm gần 53.3% trong tổng nguồn vốn đầu tư của cả nước tuy nhiên ĐBSCL chỉ chiếm 0.51% so với cả nước và 0.95% so với khu vực, tập trung ở 4 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Kiên Giang, qua đây cho thấy nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển du lịch ở vùng là rất thấp.
Hội nhập quốc tế cũng góp phần phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy việc quảng bá du lịch Vùng ĐBSCL ra nước ngoài, các tuyến điểm du lịch được đầu tư nhằm tạo sức hút đối với du khách quốc tế. Công tác quảng bá du lịch vùng ĐBSCL ngày càng được chú trọng, quảng bá và xúc tiến du lịch của Vùng được diễn ra dưới nhiều hình thức như thông qua báo chí, mạng internet, các chương trình hội thảo, liên hoan du lịch, …góp phần đưa hình ảnh du lịch của Vùng ĐBSCL đến với bạn bè các nước trong khu vực và trên thế giới.
ĐBSCL có nhiều đảo, quần đảo như Thổ Chu, Phú Quốc, Hòn Khoai là vùng đặc quyền kinh tế giáp biển Đông và vịnh Thái Lan. Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế giữa Nam Á và Đông Nam Á cũng như với châu Đại Dương và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương. Vị trí này rất quan trọng, giúp cho đồng bằng sông Cửu Long trong các hoạt động giao lưu quốc tế. ĐBSCL nằm trong hành lang kinh tế ven biển trong Tiểu vùng sông Mekong đi từ Myanmar qua Thái Lan, Campuchia đến Việt Nam. Với vị trí địa kinh tế hết sức đặc biệt đó, đồng bằng sông Cửu Long có thể triển khai kế hoạch phát triển du lịch, kinh tế biển đảo, đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong, các nước khu vực vịnh Thái Lan và dựa vào sức mạnh kinh tế của vùng và sự hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
2.2 Tác động tiêu cực
Quá trình hội nhập quốc tế đã góp phần gia tăng thị phần du lịch của vùng ĐBSCL, mở rộng thị trường, khai thác những lợi thế về du lịch của Vùng và phát triển những loại hình du lịch mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã có ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch cả nước nói chung và ngành du lịch vùng ĐBSCL nói riêng, ngoài những cơ hội có được, thì hội nhập quốc tế cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với du lịch của vùng ĐBSCL như cạnh tranh quyết liệt, làm tăng sự phụ thuộc vào nước ngoài, khó khăn trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của Vùng, tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái… từ đó đòi hỏi các cấp, các ngành cần có sự quan tâm sâu sát để đưa ra những giải pháp kịp thời, phù hợp nhằm khai thác những lợi thế để phát triển du lịch vùng ĐBSCL đạt hiệu quả, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Bên cạnh những mặt tích cực, hội nhập quốc tế cũng mang đến không ít thử thách cho phát triển du lịch Việt Nam nói chung và cho vùng ĐBSCL nói riêng.
Từ năm 2007 đến nay ngành du lịch chịu ảnh hưởng mạnh do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Riêng đối vơi Việt Nam Do trình độ phát triển kinh tế chưa cao, đời sống người dân vẫn còn thấp vì vậy ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch ĐBSCL nói riêng cũng bị suy giảm, đồng thời còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với du lịch của các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan kể cả Lào và Campuchia.
Trong xu thế hội nhập của du lịch Việt Nam với khu vực và thế giới thì vấn đề liên kết trong phát triển du lịch giữ một tầm quan trọng đặc biệt. Trong định nghĩa về du lịch có đề cập đến du lịch là hoạt động của con người di chuyển từ nơi này đến nơi khác (ngoài nơi cư trú) với mục đích tham quan, giải trí, tìm hiểu văn hóa, nghỉ dưỡng,…trong một khoảng thời gian nhất định, qua đó cho thấy hoạt động du lịch vốn không có ranh giới và không thể gói gọn trong một khu vực địa lí nhất định, chính vì vậy việc liên kết du lịch giữa các địa phương trong vùng và liên kết giữa một vùng với các vùng lân cận là hết sức cần thiết.
Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), điều này đã mang lại nhiều thuận lợi cho Việt Nam trong phát triển du lịch mà đặc biệt là Vùng ĐBSCL – nơi hạ nguồn sông Mêkông đổ ra biển, bên cạnh đó trong xu thế hội nhập quốc tế ĐBSCL cũng đang có chính sách mở rộng thị trường phát triển du lịch đến các quốc gia trong khu vực cũng như tham gia vào các tổ chức du lịch quốc tế và đang thu hút được sự chú ý của các nước phát triển. Việc hội nhập giúp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đón nhận nhiều cơ hội để phát triển hơn từ việc tham gia các tổ chức quốc tế từ đó thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, phát triển cơ sở hạ tầng thúc đẩy quảng bá du lịch ra quốc tế. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho phát triển du lịch ĐBSCL. Tình hình kinh tế - chính trị thế giới bất ổn cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của du lịch, hơn nữa chấp nhận hội nhập là chấp nhận việc phải cạnh tranh nhiều hơn với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới điều này đòi hỏi việc thay đổi để thích nghi với xu hướng từng ngày. Ngoài ra vấn đề môi trường cũng là thách thức và nỗi trăn trở của các nhà lãnh đội trong xu hướng toàn cầu hóa này. Do đó, có thể thấy luôn luôn tồn tại hai mặt tích cực và tiêu cực, cơ hội cùng thách thức đòi hỏi có những biện pháp nhằm phát huy cơ hội hạn chế thách thức để việc hội nhập đi đúng con đường đề ra.
3. Một số giải pháp phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong hội nhập quốc tế
- Liên kết mở các tour du lịch đến ĐBSCL với các quốc gia khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á.
- Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa vùng ĐBSCL với các nước ASEAN và Trung Quốc.
- Xúc tiến, ký kết hợp tác và phối hợp phát triển du lịch giữa ĐBSCL với các tổ chức du lịch quốc tế, các nước trong khu vực và với các quốc gia riêng lẻ.
- Đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch là giải pháp quan trọng nhằm bổ sung những hạn chế, khai thác triệt để những thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương, mỗi khu vực và từng quốc gia: Để phát triển du lịch vùng ĐBSCL cần phải đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch vùng trong mối tương quan với các vùng khác trong nước, với các khu vực lân cận và quốc tế. Để phát triển du lịch vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh liên kết với các tổ chức du lịch tiên tiến, các quốc gia có nhiều thành tựu trong phát triển du lịch và các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonexia, Singapore, Nhật Bản,.... Tăng cường hợp tác quốc tế, gắn thị trường du lịch vùng ĐBSCL trong tổng thể thị trường du lịch thế giới, từ đó dễ dàng đưa hình ảnh cũng như nâng cao vị thế du lịch vùng ĐBSCL đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Quá trình liên kết, hợp tác quốc tế về du lịch của vùng ĐBSCL trong thời gian tới, cần tập trung theo hướng:
- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng ĐBSCL với các tổ chức du lịch quốc tế và các quốc gia phát triển: Liên kết các quốc gia thuộc khu vực EU, Bắc Mỹ, Nga thông qua việc nâng cấp phát triển để có được những tuyến đường bay quốc tế từ Cần Thơ và Phú Quốc đến các nước EU, Bắc Mỹ để thu hút khách du lịch, Trong thời gian trước mắt cần tập trung nâng cấp phát triển các tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không từ Hà Nội, TP.HCM đến vùng ĐBSCL để thuận tiện cho việc liên kết với các Vùng trong nước.
- Liên kết, hợp tác với các quốc gia trong khu vực: Liên này với nội dụng cụ thể như xây dựng các chương trình du lịch (các tour du lịch) chung, quảng bá xúc tiến hình ảnh chung du lịch của Vùng, phối hợp đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho du lịch. Hợp tác dưới các hình thức thông qua sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hiệp hội du lịch ĐBSCL mà các các doanh nghiệp trong vùng, trong khu vực ký kết các hợp đồng liên doanh liên kết. Đồng thời nâng cao vai trò và tăng cường năng lực của Hiệp hội du lịch ĐBSCL trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong Vùng.
- Thúc đẩy việc liên kết hợp tác tiểu vùng sông Mekong du lịch ĐBSCL: Nhằm mở rộng các hoạt động hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho khách đi du lịch của các nước đến Vùng ĐBSCL và tiểu vùng sông Mêkông, một số chính sách cụ thể đã được thực hiện như thống nhất hệ thống tiêu chuẩn cơ sở lưu trú; thống nhất hệ thống tiêu chuẩn nghề; xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Mekong. Hợp tác trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng không chỉ có ý nghĩa trong việc tiếp thị điểm đến, kết nối sản phẩm, mà còn trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ trực tiếp dòng sông Mekong - yếu tố chính khởi tạo nên cả sinh thái Vùng.
- Liên kết sự phát triển du lịch chung của vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ cũng như của du lịch cả nước: Chính vì vậy sự hợp tác phát triển du lịch của Vùng với các địa phương khác là rất quan trọng, vì vậy du lịch vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh liên kết với các địa phương lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Thông qua liên kết để thu hút nguồn lực của các địa phương khác, đồng thời hỗ trợ nhau trong phát triển du lịch Việt Nam nói chung.
Mặc dù có nhiều tiềm năng về du lịch nhưng ĐBSCL sẽ không thể phát triển nếu tách rời khỏi hệ thống du lịch chung của cả nước. Bên cạnh đó sự hỗ trợ từ các tổ chức du lịch, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay là không thể thiếu. Chính vì vậy việc liên kết để phát triển du lịch có ý nghĩa quan trọng và hết sức cần thiết cho sự phát triển của du lịch của vùng hiện tại và trong tương lai.
4. Kết luận
Mỗi khu vực, địa phương đều có những tiềm năng, những thế mạnh phát triển riêng. Song những khía cạnh riêng biệt ấy phải gắn liền với hoạt động chung của quốc gia, liên kết với hệ thống chung của thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long đang là một trong những vùng có tiềm năng phát triển du lịch cao của cả nước, vẫn chú trọng khai thác tiềm năng du lịch sông nước, miệt vườn của địa phương, nhưng hiện nay để phát triển hơn nữa ngành du lịch của địa phương đồng bằng sông Cửu Long đã và đang mở rộng liên kết du lịch với các tỉnh thành khác trong cả nước, hội nhập với nền du lịch hiện đại trên thế giới để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cũng như các phương thức hoạt động mới. Từ đó, phát triển được nét đặc trưng riêng nhưng vẫn bắt kịp xu hướng phát triển chung. Tuy nhiên, việc hội nhập cũng mang lại không ít khó khăn và thác thức đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của đồng bằng sông Cửu Long để cạnh tranh với các nước trên thế giới nói chung, với các địa phương khác trong cả nước nói riêng. Dù là cơ hội hay thách thức, thì việc hội nhập cũng là xu hướng tất yếu đối với đồng bằng sông Cửu Long để phát triển du lịch hiện tại đồng thời có đủ tiềm lực để tham gia vào sân chơi quốc tế trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chỉ thị 46.TC – TW ngày 14/10/1994 về phát triển du lịch trong tình hình mới.
Báo cáo ( 121/BC – TTXT) của UBND tỉnh Bạc Liêu về Sơ kết chương trình xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch giai đoạn 2005-2010 và phương hướng giai đoạn 2011-2015.
Báo cáo ( 204/BC-UBND) của UBND tỉnh Bến Tre về sơ kết chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giai đoạn 2005-2010 và phương hướng giai đoạn 2011-2015.
Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau về kết quả thực hiện hoạt động xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Cà Mau giai đoạn 2005-2010.
Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang về sơ kết chương trình xúc tiến du lịch giai đoạn 2006-2010 và phương hướng giai đoạn 2011-2015.
Báo cáo số 40/BC-TMĐT của UBND tỉnh An Giang về kết quả thực hiện chương trình xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch giai đoạn 2005-2010.