Phát triển hợp tác xã kiểu mới từ thực tiễn Tp.HCM của TS.Nguyễn Hoàng Phương

          Có thể nói ý tưởng về mô hình kinh tế hợp tác ở Việt Nam đã xuất hiện từ sớm, đến thời của Hồ Chí Minh những tư tưởng, lý luận về hợp tác xã được khái quát một cách hệ thống trong tác phẩm “Đường Cách Mệnh” và tổ chức hợp tác xã đầu tiên ra đời vào tháng 3/1948.

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN

          Kinh doanh theo hình hình thức hợp tác xã theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.  

Trong lý luận của Mác – Ph.Ăngghen nông dân và nông nghiệp chiếm vị trí và vai trò quan trọng bởi lẽ giai cấp nông dân là đông minh của giai cấp vô sản, đặc biệt là ở những nước nông nghiệp nếu không nhận thức đúng được vai trò và vị trí của vấn đề nông nghiệp và nông dân thì việc cải biến xã hội chủ nghĩa sẽ khó đạt được thành công.

Gắn liền với mục tiêu phát triển xã hội, nâng cao lợi ích của mỗi cá nhân trong toàn thể cộng đồng, các nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa Mác đã nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của kinh tế hợp tác và tổ chức hợp tác xã để phát triển nền sản xuất lớn để xây dựng nền kinh tế chủ nghĩa xã hội. Quá trình xây dựng hợp tác xã nông nghiệp phải theo nguyên tắc tự nguyện, từng bước và có sự giúp đỡ của Nhà nước vô sản.

V.I Lênin trên cơ sở kế thừa và phát triển tư tưởng Mác – Ph.Ăngghen về kinh tế hợp tác và nguyên tắc xây dựng, tổ chức hợp tác xã, cùng với những hoạt động thực tiễn của mình đã nhận định “ Không có phong trào công nhân mạnh mẽ và nhiều mặt thì chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện được, mà hợp tác xã tiêu dùng là một trong nhiều mặt đó” và “hợp tác xã tiêu dùng là nhân tố xã hội mới” là “ nhân tố vật chất của chủ nghĩa xã hội tương lai”.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề hợp tác xã trong bối cảnh và điều kiện cụ thể của đất nước Hồ Chí Minh đã nêu lên tầm quan trọng và vai trò của hợp tác xã trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Đối với Hồ Chí Minh đây là cuộc cách mạng trong lĩnh vực tổ chức sản xuất. Hợp tác xã dưới góc nhìn của Bác không chỉ thuần túy là kinh tế, cũng không thuần túy mang tính xã hội mà là dung hòa, thống nhất biện chứng giữa hai mặt.

Vai trò hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh

Xuất phát từ nguyên tắc tổ chức hợp tác xã dựa trên tinh thần tự nguyện, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. Thông qua đó mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân khi hợp tác xã được phát triển theo đúng nghĩa.

Hợp tác xã phát triển sẽ mang lại lợi ích cho cả cộng đồng từ đó góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân tha thành phố. Khi phát triển, hợp tác xã sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực giúp Nhà nước giúp ổn định trật tự xã hội, chính trị tạo nền tảng cho phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

          Quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển hợp tác xã kiểu mới trong giai đoạn hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển kinh tế tập thể luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm đặt lên hàng đầu. Để khắc phục những hạn chế hiện tại và phát huy tối đa những lợi ích của kinh tế tập thể, cần tập trung vào những nội dung sau:

Phát triển kinh tế hợp tác xã phù hợp với đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

 Kinh tế hợp tác xã trước hết phải đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của người lao động và rộng hơn là của mọi thành phần trong xã hội. Chú trọng liên kết với các loại hình kinh tế khác tại thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

 Đa dạng hóa các ngành nghề khi phát triển các mô hình hợp tác xã theo nhu cầu của người dân. Phát triển các mô hình hợp tác xã từ thấp đến cao, từ làm dịch vụ cho đến phát triển các ngành nghề hướng đến sản xuất kinh doanh tổng hợp.

Xây dựng khu vực hợp tác xã thống nhất từ đơn vị nhỏ nhất là các xã viên đến các tổ chức lớn như liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển hợp tác xã kiểu mới phù hợp với kinh tế thị trường, hỗ trợ thúc đẩy cho kinh tế hộ phát triển, tạo nền tảng để mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2012 đến 2014 mô hình hợp tác xã đã mang đến những thành tựu nhất định, cùng với đó đã xuất hiện một số mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Nhiều hợp tác xã đã mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh dịch vụ tổng hợp, mở rộng liên doanh, liên kết với các nền kinh tế khác.

Liên kết các hợp tác xã tạo sức mạnh, nâng cao sức cạnh tranh giúp nhà kinh doanh, hộ nông dân, thợ thủ công... có đủ năng lực cạnh tranh với những sản phẩm hàng hóa của những nền kinh tế khác đang là đối tác của thành phố và nước ta. Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường phù hợp với tình hình hiện nay để tạo sức cạnh tranh và sự bền vững trong phát triển khu vực hợp tác xã, cần có sự liên kết giữa các hộ sản xuất cá thể, hình thành các tổ hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Liên minh hợp tác xã ra đời, cùng với Luật hợp tác xã (2012) đã tạo điều kiện hỗ trợ kết nối các hợp tác xã, tập trung phát triển kinh tế hợp tác xã gắn liền với các thành phần kinh tế khác, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng nhanh hàm lượng giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế cho thành phố Hồ Chí Minh.

Bài học kinh nghiệm quốc tế về phát triển hợp tác xã cho thành phố Hô Chí Minh.

Từ việc phân tích những kinh nghiệm phát triển hợp tác xã ở các nước Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong phát triển hợp tác xã ở Việt Nam.

Trong quan niệm về hợp tác xã nông nghiệp là để giúp các hộ nông dân cải thiện điều kiện sống và phát triển sản xuất cần liên kết các hoạt động đầu ra, đầu vào dưới hình thức tốt nhất là hợp tác xã, nông nghiệp theo nguyên tắc tự lực, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ, hiệu quả hoạt động cao và có sự tương trợ lẫn nhau. Trong khi ở nước ta hợp tác xã nông nghiệp chỉ chú trọng vào những khâu dịch vụ mang tính chất nông nghiệp đặc thù. Do vậy quan niệm về hợp tác xã ở nước ta cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn là hợp tác xã đa chức năng nhằm phục vụ nông thôn để khuyến khích phát triển loại hình này.

Hiện nay các hợp tác xã nông nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan có hệ thống tổ chức cung cấp dịch vụ, hệ thống chế biến, tiêu thụ chuyên ngành từ trên xuống trong khi ở nước ta thì chưa có một tổ chức chặt chẽ trong các vấn đề này. Về qui mô cũng có sự khác biệt. Do vậy Việt Nam cần củng cố, sắp xếp hợp nhất các hợp tác xã nông nghiệp qui mô nhỏ thành qui mô lớn hơn.

Nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Chính phủ cần xem xét lại công tác đào tạo đội ngũ xã viên làm cán bộ quản lý hợp tác xã và mở thêm các chương trình đào tạo đội ngũ nhân viên là lực lượng quản lý nòng cốt.

Nâng cao vai trò cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao của hợp tác xã nông nghiệp đối với nông thôn. Ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan hợp tác xã vừa chi phối các hoạt động cung cấp đầu ra, đầu vào, chuyển giao khoa học kỹ thuật vừa cung cấp các dịch vụ cung ứng tiêu dùng, tín dụng tiết kiệm, cho vay,...thì ở nước ta mới chỉ làm được những dịch vụ cơ bản như điện, tưới tiêu,... Để phát triển như mô hình một số nước đòi hỏi nhà nước phải có quyết tâm cao, đầu tư lớn để thu hút được đội ngũ quản lý giỏi tạo được lòng tin đối với người nông dân sản xuất và người tiêu dùng.

II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI GIAN QUA VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

  •  Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với các thành phần kinh tế, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã nông nghiệp đã có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh. Các hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân giúp xóa đói giảm nghèo; góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho thành phố; là đầu mối tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho các thành viên, hộ nông dân với giá cả tốt nhất.

  • Đổi mới phương thức, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp sẽ đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức, giúp các hộ nông dân giảm chi phí đầu vào, ổn định tiêu thụ và nâng cao thu nhập, đời sống, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chi Minh. Tiêu biểu như một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cung cấp cho người tiêu dùng thành phố. Một số hợp tác xã đã có sự gắn kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp lớn, đưa được sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, 23 hợp tác xã đã được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu thông qua nhãn hiệu, logo, bao bì, góp phần hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm đảm bảo chất lượng. 

  •  Quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh hợp tác xã tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thời gian vừa qua để khẳng định vai trò của mình trong phát triển hoạt động của hợp tác xã cũng như liên minh, liên hiệp hợp tác xã, nhà nước đã ban hành một số nghị định, nghị quyết đúng đắn phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển hợp tác xã trong thời điểm hiện tại như ban hành Luận hợp tác xã 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn luật hợp tác xã, Nghị định 50,…

Bên cạnh việc ban hành những quy định, xây dựng chiến lược phát triển hợp tác xã còn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý và các kiến thức cho các xã viên, song song đó còn theo dõi việc thực hiện pháp luật của hợp tác xã.

  • Chính sách khuyến khích đầu tư cho hợp tác xã: Cơ chế chính sách, vốn, nhân lực, công nghệ hiện đại tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nhằm khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác xã, tại các dự thảo Bộ kế hoạch và đầu tư đã đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp như : Được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi được giao hoặc cho thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc các công trình phục vụ cho các hoạt động nông – lâm – ngư nghiệp; Miễn nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nếu dự án đó nằm trong quy hoạch được nhà nước phê duyệt,…

Nghị định 55 nâng mức cho vay vốn không có tài sản bảo đảm được tăng lên, gấp 1,5 lần cho đến gấp đôi so với trước đây. Đối tượng được vay vốn cũng sẽ được mở rộng hơn. Các quy định về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong các quy trình sản xuất dành cho các hợp tác xã, mô hình sản xuất lớn.

Đề phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn, trình độ cho hợp tác xã HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 07, về chính sách đầu tư hạ tầng nông nghiệp - nông thôn phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, trong đó quy định hỗ trợ cán bộ có trình độ về làm việc tại hợp tác xã ngày càng tăng.

Ở các hợp tác xã nông nghiệp, việc triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất được hỗ trợ, các mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị cao cũng như các giống mới trong nông nghiệp từ đó năng suất và chất lượng của các sản phẩm tại các hợp tác xã được nâng cao rõ rệt.

  •  Những mô hình phát triển hợp tác xã tiêu biểu tại thành phố Hồ Chí Minh

Đầu năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh có 06 hợp tác xã nông nghiệp và làng nghề, tiêu biểu:

Huyện Củ Chi, hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại dịch vụ Phú Lộc (xã Tân Phú Trung) là mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi rau củ quả an toàn. Hợp tác xã thành lập năm 2011, hiện có 22 thành viên và vùng rau rộng 67ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã đã đầu tư 13 xe tải, mỗi ngày vận chuyển khoảng 18 tấn rau đi tiêu thụ ở các siêu thị của Thành phố. Hợp tác xã đang tìm kiếm các loại giống rau mới, có giá trị kinh tế cao để sản xuất đa dạng hơn các sản phẩm rau an toàn.

Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất, thương mại và dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh) cũng chuyên ngành sản xuất rau an toàn và cung cấp cho các siêu thị. Hơn 10 năm ra đời và hoạt động, đến nay hợp tác xã có 62 thành viên, thu hút 92 hộ nông dân làm rau trên diện tích 17ha đã có chứng nhận VietGap. Hợp tác xã đã đầu tư mua 4 xe tải, xây nhà sơ chế 280m2 và sản lượng đạt khoảng 180 tấn rau/tháng.

Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành (xã Hiệp Phước). Mới thành lập tháng 7/2016, nhưng hợp tác xã đã chủ động phổ biến kinh nghiệm nuôi tôm, đồng thời cung ứng thức ăn và thuốc với giá rẻ so với thị trường cho các thành viên và hộ nuôi tôm trên khắp huyện.

  • Bài học kinh nghiệm phát triển hợp tác xã trong thời gian qua.

Tiêu chí đầu tiên là mô hình hợp tác xã phải đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của mỗi cá nhân là xã viên, bên cạnh đó phải thể hiện được tính dân chủ, tổ chức hợp tác xã không đi ngược lại với lợi ích của tập thể, nhân dân.

Để hiểu và nhận thức đúng vai trò của hợp tác xã cần phải xem xét khách quan mối quan hệ giữa vai trò của kinh tế hộ, kinh tế tư nhân và cá thể với vai trò của các hợp tác xã kiểu mới trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhìn nhận những mặt hạn chế của các hình thức kinh tế cá thể là tính cạnh tranh kém và không đồng nhất mô hình hợp tac xã với các mô hình tổ chức kinh tế khác (các doanh nghiệp, tổ chức xã hội,…).

Đối với quản lý không nên xem nhẹ vai trò quản lý của nhà nước nhưng cũng tránh lạm dụng quyền quản lý can thiệp sâu vào các hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phân cấp và phân quyền cách đúng đắn, các chính sách được triển khai cách đồng bộ, nhất quán từ trung ương đến địa phương.

Việc ứng dụng các thành tự khoa học công nghệ cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động của hợp tác xã cũng phải phù hợp với bối cảnh cụ thể của Việt Nam.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

  • Nhóm 1: giải pháp về cơ chế, chính sách.

Xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên ngành, phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã ở các địa phương phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hoá của mỗi vùng nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng kinh tế của địa phương.

Sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ các hợp tác xã vượt qua những khó khăn hiện tại, nhất là sức cạnh tranh trong thời buổi hội nhập.

Nâng cao hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước đối với hợp tác xã.

  • Nhóm 2: giải pháp về huy động vốn đầu tư.

Tập trung hỗ trợ tài chính từ các nguồn lồng ghép với chính sách thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới để thành lập một số mô hình điểm ở các tỉnh nông nghiệp đối với hai loại hình hợp tác xã là hợp tác xã dịch vụ công ở nông thôn và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, củng cố lại hoạt động của hợp tác xã.

  • Nhóm 3: giải pháp về nguồn nhân lực.

Chuẩn hóa những chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bởi lẽ con người là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội. Khi tuyển chọn nguồn nhân lực chú trọng đến yêu cầu đòi hỏi nhân lực phải có kiến thức, có trình độ tin học, ngoại ngữ, tinh thông nghiệp vụ.

  • Nhóm 4: giải pháp về xúc tiến, quảng bá.

Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; tăng cường việc tổng kết, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả; phổ biến các mô hình hợp tác xã kiểu mới, kinh nghiệm của phong trào hợp tác xã trong khu vực và quốc tế đến toàn dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế hợp tác xã.

  • Nhóm 5: giải pháp về tổ chức quản lý quy hoạch.

Tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã theo đúng ý nghĩa của nó, Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn; phát huy vai trò làm chủ của thành viên; vận động thành viên hợp tác xã góp vốn và nâng mức vốn góp; vận động hợp tác xã thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã cùng ngành, nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của hợp tác xã.

  • Nhóm 6: giải pháp về ứng dụng khoa học, công nghệ.

Ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cho hợp tác xã. Thường xuyên cập nhật các tiến bộ về khoa học kỹ thuật tiên tiến cho người dân, tổ chức các buổi tranning về khoa học hiện đại để người dân có thể có được kiến thức đầy đủ để áp dụng vào việc sản xuất.

  • Nhóm 7: giải pháp về hợp tác quốc tế.

Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới để trao đổi, học hỏi, chuyển giao những công nghệ mới, từ đó ứng dụng phù hợp vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam nhằm nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất cũng như phát triển hợp tác xã theo kiểu mới.

IV. CÁC KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao của các bộ, ngành, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (nhất là Hội Nông dân Việt Nam), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012.

Đối với đối tượng là cán bộ quản lý, hoạch định chính sách: Cần nâng cao nhận thức về lợi ích của hoạt động phát triển hợp tác xã kiểu mới, các nguyên tắc phát triển của hợp tác xã. Hình thức đào tạo: bồi dưỡng tập trung, tham quan, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Phối hợp chặt chẽ với sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền về loại hình hợp tác xã kiểu mới này. Tham gia thường xuyên các hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo nông nghiệp trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua mặc dù còn những mặt hạn chế nhưng mô hình hợp tác xã đã mang đến những kết quả nhất định, điển hình là có nhiều mô hình đã hoạt động thành công và mang lại hiểu quả cao. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển hợp tác xã trong bối cảnh mới cần phải có sự chuẩn bị trên tất cả mọi mặt, có như vậy mới có thể phát huy được hết vai trò và ý nghĩa thật sự của hợp tác xã, tránh được những sai lầm trong quá khứ.

 

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia.

3. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VII.

4. V.I.Lê-nin, Toàn tập.

Tiến sĩ: NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG

(Tổng công ty Thái Sơn – Bộ quốc phòng)

 

 

VÌ SAO CHỌN KHANH TRAVEL

Sự phát triển của công ty chúng tôi phụ thuộc vào sự quan tâm và ủng hộ của quý khách.

  • Khách hàng

  • Điểm du lịch

  • Hỗ trợ 24/24

  • Vé máy bay

Hỗ trợ online
  • Tour - Mr Sang - 0909 454 374
  • Vé Máy Bay - P. Vận chuyển: 0984 145 635